CHỦNG LOẠI LA BÀN PHONG THỦY

Tháng bảy 10, 2024

CHỦNG LOẠI CỦA CÁC LA BÀN THÔNG DỤNG

✍1. La bàn Tam hợp
– Phương vị 24 sơn của la bàn Tam hợp xuất hiện sớm nhất do sự xác định đường Tý, Ngọ ở cực từ Nam Bắc, được gọi là “Dương Công chính châm” hoặc “Địa bàn”. Do sự sai lệch về địa lý của cực từ Nam Bắc, Dương Công đã thêm một tầng phương vị trên mặt la bàn, gọi là “Thiên bàn phùng châm”. Đến thời Nam Tống, vị tiên hiền Lại Văn Tuấn (hiệu là Bố Y Tử) phát hiện góc lệch từ là lệch Tây 7,5°, vì vậy lại thêm 1 tầng nữa trên bàn phương vị, gọi nó là “Nhân bàn”, còn gọi là “Nhân bàn trung châm”. Giới Phong thủy học gọi nó là “Lại Công trung châm”. Từ đó, trên mặt la bàn hình thành 3 tầng phương vị cơ bản. Theo cuốn Địa lý nguyên chân thời Thanh, 3 tầng phương vị đó có 3 tác dụng: Chính châm dùng Tý, Ngọ xác định sơn hướng. Trung châm xác định lai long. Phùng châm xác định sơn hướng, thủy khẩu.
Trước tác đại diện của phái Tam hợp: Bộ sách Ngọc xích kinh của quôc sư triều Nguyên Lưu Bỉnh Trung. Cuốn sách đương thời nhận được sự coi trọng của các nhà nghiên cứu Phong thủy học trong thiên hạ. Các phái phong thủy khác đều nghiên cứu Tam hợp. Tiếp đến, chúng ta còn phải kể đến Địa lý nguyên chân của hòa thượng Triệt Oánh Khổng Văn Tinh thời Thanh, Địa lý ngũ quyết của Triệu Cửu Phong, Địa lý đại thành của Diệp Cửu Thăng… Các trước tác phái Tam hợp liên tiếp ra đời.

✍2. Tam nguyên bàn
Tam nguyên bàn còn được gọi là “Tưởng bàn” hoặc “Dịch bàn”, tương truyền là do bậc thầy phong thủy thời Minh Tưởng Đại Hồng sáng tạo ra. Đặc trưng chủ yếu của Tam nguyên bàn là có Dịch quái, có vòng 64 quẻ, thường chỉ có vòng 24 sơn, cũng chính là Địa bàn chính châm mà chúng ta thường dùng. Tác dụng của nó là xác định long, huyệt, sa, thủy, không dùng Dương Công phùng châm và Lại Công trung châm.

✍3. Nguyên hợp thông dụng bàn
Nguyên hợp thông dụng bàn tổng hợp Địa bàn chính châm, Nhân bàn trung châm, Thiên bàn phùng châm của Tam hợp bàn, cùng với vòng 64 quẻ trong Tam nguyên bàn và các tầng khác trên la bàn.
Tống hợp số tầng trên la bàn càng nhiều, nội dung càng phức tạp, chế tạo cần phải tỉ mỉ. Đây là loại la bàn phong thủy thông dụng của 2 phái Tam hợp, Tam nguyên. Nó chú trọng đến ảnh hưởng của các vật kiến trúc cao tầng, núi non, dòng chảy đối với mộ trạch.
Phong thủy học Trung Quốc phân thành phái Hình thế và phái Lý khí. Hình thế là chỉ hoàn cảnh Loan đầu, lấy việc sử dụng la bàn Tam hợp làm chủ; Lý khí chú trọng thời gian và phương hướng, lấy la bàn Tam nguyên làm chủ.